Nghiệm thu các dự thảo TCVN do Hiệp hội Môi trường xây dựng Việt Nam thực hiện
Đăng ngày: 11:16 20-10-2021
Toàn cảnh cuộc họp
Về TCVN Chiếu sáng đường hầm đô thị, thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Phạm Đức Nguyên cho biết: chiếu sáng đường hầm, đặc biệt là đường hầm dành cho giao thông cơ giới rất phức tạp, khác hoàn toàn với chiếu sáng các đường mở, do môi trường ánh sáng luôn thay đổi. Hiện nay các nước tiên tiến trên thế giới, như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật Bản… đều đã nghiên cứu và ban hành các tiêu chuẩn chiếu sáng đường hầm, trong khi Việt Nam chưa có tiêu chuẩn này.
Do đó, nhóm nghiên cứu đã dựa vào các Chỉ dẫn của tổ chức chiếu sáng quốc tế (CIE) như CIE 88:2004 (Chỉ dẫn chiếu sáng đường hầm và lối đi ngầm); CIE 115:2010 (Chiếu sáng đường cho xe cơ giới và người đi bộ) và các tiêu chuẩn hiện hành của các nước châu Âu để xây dựng tiêu chuẩn áp dụng cho Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu chia dự thảo tiêu chuẩn thành 2 phần: Chiếu sáng đường hầm cho xe cơ giới; chiếu sáng đường hầm cho người đi bộ, đi xe đạp. Vì đây là 2 loại đường hầm có đặc điểm giao thông khác nhau, nên đặc điểm cảm nhận ánh sáng và yêu cầu chiếu sáng khác nhau. Điều khác nhau cơ bản của 2 loại đường hầm này là tốc độ phương tiện di chuyển. Xe cơ giới di chuyển nhanh hơn rất nhiều so với người đi bộ, đi xe đạp. Yêu cầu chiếu sáng đường hầm giao thông dành cho xe cơ giới là đảm bảo an toàn, tránh để xảy ra tai nạn; yêu cầu chiếu sáng đường hầm cho người đi bộ, đi xe đạp là đảm bảo an toàn, an ninh, phòng tránh cướp giật...
Bên cạnh đó, cảm nhận trực quan của người điều khiển phương tiện cơ giới khác với người đi bộ, đi xe đạp: đối với người điều khiển xe cơ giới, độ chói mặt đường là yếu tố quyết định. Trong khi đó, với tốc độ di chuyển chậm hơn, độ rọi trên mặt đường là yếu tố quan trọng nhất đối với người đi bộ, đi xe đạp.
Về chiếu sáng đường hầm dành cho xe cơ giới, dự thảo tiêu chuẩn đưa ra các yêu cầu chiếu sáng các đường hầm có chiều dài từ 25 - 200m, dài hơn 200m và ngắn hơn hoặc bằng 500m. Chiếu sáng đường hầm dành cho người đi bộ, đi xe đạp phải đảm bảo các nguyên tắc: cho phép người đi bộ, đi xe đạp phân biệt được chướng ngại vật, nhận biết khuôn mặt những người xung quanh; kiểm soát khả năng xảy ra lóa; hiển thị màu sắc tương đối tốt; đảm bảo các yêu cầu về chiếu sáng mặt ngang, chiếu sáng mặt đứng; kiểm soát lóa; lựa chọn nguồn chiếu sáng; hiệu quả năng lượng và môi trường.
Về TCVN Soát xét TCXD 16 : 1986 Chiếu sáng nhân tạo trong công trình dân dụng, thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Văn Muôn cho biết: nhóm nghiên cứu đã rà soát, phân tích bất cập của những tiêu chuẩn trong nước liên quan đến chiếu sáng trong công trình dân dụng và việc áp dụng không đồng bộ những tiêu chuẩn này trong thiết kế nhà ở và công trình công cộng; phân tích sự khác nhau trong nội dung tiêu chuẩn của một số quốc gia trên thế giới, có liên quan đến đề tài, từ đó lựa chọn những giá trị phù hợp áp dụng cho Việt Nam; bổ sung và làm mới 2 chỉ tiêu chất lượng chiếu sáng là “độ rọi trụ trung bình” và “độ nét”.
Việc soát xét TCXD 16 : 1986 được tiến hành dựa trên thang độ rọi mới của ISO 8995:2002, những quy định về chất lượng chiếu sáng theo prEN 12464-1:2019, tiêu chuẩn 7114 : 2008 và một số tiêu chuẩn trong nước, quốc tế có liên quan. Những thay đổi và bổ sung chủ yếu được nhóm nghiên cứu thực hiện gồm có bổ sung và làm mới các tính chất độ nét; bổ sung chiếu sáng vị trí làm việc có thiết bị hiển thị đầu cuối; thay đổi một số giá trị độ rọi của các công việc phổ biến; kiểm tra khả năng hoạt động của độ rọi mới tại 1 phòng học bằng chương trình DIALux.
Ghi nhận nỗ lực của 2 nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đánh giá: các nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ, yêu cầu đề ra; hồ sơ nghiệm thu đảm bảo tuân thủ theo đúng các quy định hiện hành; các báo cáo tổng kết và dự thảo 2 tiêu chuẩn được thực hiện công phu, đảm bảo chất lượng, có hàm lượng chất xám cao.
Bên cạnh đó, Hội đồng cũng chỉ ra một số thiếu sót trong nội dung các sản phẩm đề tài: cần nêu rõ phạm vi áp dụng của TCVN Chiếu sáng đường hầm đô thị dành cho chiếu sáng tất cả các loại đường hầm (cả đô thị và nông thôn); rà soát một số thông số kỹ thuật về chiếu sáng trong công trình dân dụng đảm bảo hợp lý hơn; chỉnh sửa, biên tập các lỗi chế bản, lỗi đánh máy.
Kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Nguyễn Công Thịnh đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, sớm hoàn thiện các báo cáo tổng kết và 2 dự thảo tiêu chuẩn nêu trên, sớm trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.
Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu 2 dự thảo TCVN do các nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Môi trường Xây dựng Việt Nam thực hiện, với kết quả đều đạt loại Khá.
Trần Đình Hà